Giống với răng vĩnh viễn, răng sữa cũng có vai trò nhất định trong ăn nhai và thẩm mỹ của khuôn mặt. Ngoài ra, răng sữa còn là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của hàm răng vĩnh viễn sau này. Vì vậy, khi răng sữa bị gãy, bị mòn, bị tổn thương thì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Theo dõi bài viết dưới đây của Nha khoa Trẻ để được giải đáp răng sữa bị gãy có ảnh hưởng gì và cách xử lý khi răng sữa của trẻ bị gãy, hỏng nhé!
Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị gãy răng sữa
Răng sữa bị gãy có nhiều dạng khác nhau, có thể gãy ở chân răng, ở thân răng hoặc gãy toàn bộ chiếc răng sữa của trẻ. Nguyên nhân chủ yếu khiến răng trẻ bị gãy như vậy là do:
- Do tác động lực bên ngoài: Nguyên nhân thường thấy khiến trẻ bị gãy răng là do trẻ bị ngã, bị va đập làm lực mạnh tác động trực tiếp lên răng. Khi đó, răng sữa dễ bị chấn thương nhất là răng cửa, chúng có thể bị gãy một phần, lung lay sớm, bị lệch, bị lún vào trong hoặc rụng răng sữa sớm.
- Do bản chất răng sữa: Răng sữa bị gãy vỡ cũng có thể xuất phát từ cấu trúc của răng. Bởi lúc này xương ổ răng của trẻ còn mềm, hệ thống dây chằng xung quanh lỏng lẻo, nên dễ bị gãy vỡ khi ăn nhai thực phẩm cứng. Đây cũng chính là lý do nhiều cha mẹ không biết trẻ tại sao trẻ bị gãy, mất răng sữa sớm do mảnh vỡ của răng đã bị hòa trộn vào thức ăn.
2. Răng sữa bị gãy có ảnh hưởng gì? Có mọc lại bình thường được không?
Răng sữa của trẻ bị gãy thường gặp nhất là ở giai đoạn từ 2 – 4 tuổi. Lúc này, răng sữa của trẻ đã mọc gần như đầy đủ trên cung hàm nhưng cấu trúc răng vẫn chưa hoàn thiện, răng còn khá yếu và cấu trúc răng mỏng. Do đó, nếu gặp phải tác động bên ngoài răng trẻ rất dễ bị tổn thương đặc biệt trong tuổi bắt đầu tập đi, tập chạy.
Nhiều cha mẹ chủ quan với việc trẻ bị gãy răng sữa bởi nghĩ rằng chúng rồi cũng được thay thế bởi các răng vĩnh viễn. Nhưng thực tế, răng sữa bị gãy không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ hiện tại mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc răng vĩnh viễn mọc lên sau này ở trẻ, cụ thể như:
- Răng vĩnh viễn mọc lên bất thường, chen lấn, xô đẩy, răng mọc sai vị trí hoặc mọc lệch lạc do trước đó trẻ bị gãy răng sữa, mất răng sữa sớm.
- Răng sữa bị gãy, mất sớm có thể làm tổn thương đến khớp cắn, dẫn đến các tình trạng sai khớp cắn làm giảm khả năng ăn nhai và thẩm mỹ khuôn mặt. Trường hợp nghiêm trọng sẽ khiến hàm bị lệch và khuôn mặt cũng bị lệch theo.
- Khi trẻ bị gãy răng sữa do chấn thương mạnh, có thể làm sung huyết tủy, chảy máu tủy, thậm chí làm nhiễm trùng tủy, tiêu chân răng sữa và gây ra một số biến chứng làm hỏng mầm răng vĩnh viễn.
Xem thêm:
Sâu răng ở trẻ 1 tuổi: Những vấn đề mà bố mẹ cần lưu ý
Cách trị viêm lợi ở trẻ em 1 tuổi cha mẹ không nên bỏ qua
3. Cách xử lý tình trạng trẻ bị gãy răng sữa
Nếu xảy ra tình trạng răng sữa của trẻ bị gãy, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng mà hãy đưa con đến nha khoa trẻ em để thăm khám để xác định nguyên nhân cũng như cách điều trị hiệu quả nhất.
3.1 Răng sữa bị gãy do lực tác động
Trong trường hợp trẻ bị gãy răng sữa do va đập, chấn thương răng thì bác sĩ sẽ điều trị dựa trên mức độ tổn thương của từng trường trường hợp.
- Răng sữa bị gãy ít: Trường hợp này răng của trẻ chỉ bị tổn thương phần men răng hoặc ngà răng, chưa ảnh hưởng đến tủy răng. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định giữ nguyên như vậy hoặc hàn trám lại trong thời gian chờ răng vĩnh viễn mọc lên.
- Răng sữa bị gãy nhiều làm lộ tủy răng: Tình trạng này cần điều trị tủy răng, sau đó trám bít lại để bảo vệ tủy răng sữa, tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Gãy thân răng và chân răng sữa bị tổn thương: Nếu mức độ nhẹ thì cha mẹ chỉ cần chăm sóc răng miệng tốt cho bé, tránh cho con ăn, cắn các thực phẩm cứng, tránh va chạm để chân răng sữa dần hồi phục. Đối với tình trạng nặng, chân răng sữa bị lún sâu gây hại cho xương ổ răng thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng sữa bị gãy để bảo vệ xương ổ răng khỏe mạnh.
3.2 Trẻ bị gãy răng sữa do cấu trúc răng
Khi răng sữa của trẻ bị gãy được xác định từ nguyên nhân men răng kém, lớp men răng và ngà răng mỏng. Thì cha mẹ cũng nên cho bé điều trị sớm để tránh tình trạng răng sữa bị mòn dần sau đó bị mất răng.
- Răng sữa bị gãy ít mà không ảnh hưởng đến tủy răng thì bác sĩ sẽ chỉ định trám bít lại.
- Nếu răng sữa bị gãy vào đến tủy răng thì bác sĩ sẽ xác định mức độ nặng nhẹ của chúng và thực hiện điều trị nội nha theo từng trường hợp hỏng tủy.
Đi đôi với việc điều trị tại nha khoa, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc răng miệng tại nhà để tăng cường men răng cho trẻ. Đồng thời vệ sinh răng miệng hàng ngày và đúng cách để răng bé chắc khỏe hơn.
Trong thời gian răng sữa bị gãy, cha mẹ vẫn nên cho trẻ ăn uống bình thường, chỉ cần chú ý hơn tới tác thực phẩm tới các thực phẩm cứng, hạn chế cho trẻ phải ăn nhai nhiều. Hãy bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng khác trong thực đơn hàng ngày của trẻ để bảo vệ xương và răng của bé khỏe đẹp mỗi ngày.