NHA KHOA TRẺ – Chỉnh nha cùng chuyên gia Invisalign

Giờ mở cửa: T2 – T6: 8:30 – 18:30, T7 – CN: 8:00 – 18:00 – Hotline: 0901.334.334 – 38 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội

  • Cẩm nang
  • Rối loạn khớp thái dương hàm: Biểu hiện, Biến chứng và Điều trị

Rối loạn khớp thái dương hàm: Biểu hiện, Biến chứng và Điều trị

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Bác sĩ sáng lập Nha khoa Trẻ Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa, đặc biệt về chỉnh nha, chỉnh nha trẻ em, điều trị bệnh lý khớp thái dương hàm
- Xuất bản: 10/04/2025 - Cập nhật lần cuối: 11/04/2025

Rối loạn khớp thái dương hàm đôi khi khó phát hiện do triệu chứng giống với các bệnh khác. Chính vì vậy, người bệnh nên đi thăm khám nha khoa nếu đã khám chuyên khoa khác và không phát hiện bệnh.

Rối loạn khớp thái dương hàm: Biểu hiện, Biến chứng và Điều trị
Rối loạn khớp thái dương hàm: Biểu hiện, Biến chứng và Điều trị - Ảnh: Canva

Rối loạn khớp thái dương hàm thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 18–44 tuổi và những người mắc chứng nghiến răng, thường xuyên chịu áp ực, căng thẳng người bị viêm khớp hoặc chấn thương hàm, người có tư thế xấu hoặc sai khớp cắn,... Điều trị rối loạn khớp thái dương tương đối phức tạp, nếu điều trị muộn sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề.  

Rối loạn khớp thái dương làm gián đoạn hoạt động ăn nhai, nói và nuốt làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh cần nhận ra các biểu hiện của rối loạn khớp thái dương để kịp thời thăm khám và điều trị.

Hiện nay có nhiều công nghệ mới ra đời giúp chẩn đoán rối loạn khớp chính xác và đem lại hiệu quả điều trị cao. 

1. Rối loạn khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất ở đầu mặt, nằm ở vị trí trước tai. Khớp thái dương hàm tham gia vào các hoạt động chức năng như há miệng, ăn nhai, nói, nuốt…

Rối loạn khớp thái dương hàm là một thuật ngữ chung để chỉ sự rối loạn hoạt động xảy ra ở cơ xương khớp và thần kinh cơ liên quan đến khớp thái dương, các cơ nhai và tất cả các cấu trúc liên quan.

Rối loạn khớp thái dương hàm (trước đây gọi là rối loạn chức năng khớp thái dương hàm hoặc hội chứng khớp thái dương hàm [TMJ]) thường có triệu chứng đau ở cơ hàm, mặt và cổ, đau đầu hoặc đau tai, có thể kèm theo rối loạn chức năng khớp (thường có âm thanh ở khớp khi há ngậm miệng). 

2. Biển hiện của rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây đau hoặc diễn tiến âm thầm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn có những biểu hiện sau đây thì hãy cẩn thận, có khả năng đó là các triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm:  

  • Cảm giác đau hoặc mỏi ở vùng cơ hàm khi nói chuyện, ăn nhai, há miệng, siết chặt hai hàm, nhai thức ăn cứng…
  • Cảm giác đau ở các cơ nhai: vùng góc hàm, vùng dưới hàm.
  • Đau có thể kèm theo sưng ở vùng trước tai, đau trong tai, đau có thể lan rộng lên vùng thái dương, có thể lan lên đỉnh đầu 1 hoặc 2 bên. 
  • Đau ở vùng cổ-vai-gáy.
  • Tiếng kêu lục cục khi mở hoặc đóng hàm có thể kèm theo đau hoặc không đau.
  • Cứng khít hàm: khó khăn khi há miệng lớn, há miệng lớn có thể gây đau do đó người bệnh thường há miệng hạn chế. Khi há lớn có thể lệch hàm sang bên. 

Trong các triệu chứng trên, đau là triệu chứng nổi bật nhất và thường khiến cho người bị loạn năng khớp tìm đến bác sĩ, có thể đau nhẹ âm ỉ kéo dài đến đau nhói. 

biểu hiện rối loạn khớp thái dương hàm
Hình ảnh khớp thái dương hàm - Ảnh: suckhoedoisong

3. Phân biệt đau do khớp thái dương hàm với đau do các nguyên nhân khác

Đau vùng hàm mặt là tình trạng phổ biến, nhưng không phải lúc nào cũng xuất phát từ loạn năng khớp thái dương hàm (TMD). Cơn đau có thể đến từ răng, cơ hoặc hệ thần kinh, khiến nhiều người nhầm lẫn và áp dụng sai phương pháp điều trị. Dưới đây là cách nhận biết và phân biệt đau do TMD với các nguyên nhân khác.

Đau do loạn năng khớp thái dương hàm (TMD)

  • Vị trí đau: Tại khớp thái dương hàm, vùng trước tai hoặc lan xuống cổ, vai.
  • Tính chất đau: Đau âm ỉ, nhức nhối hoặc đau dữ dội khi cử động hàm (nhai, há miệng lớn, nói nhiều).
  • Triệu chứng đi kèm: Tiếng kêu lục cục khi mở hàm, hạn chế há miệng hoặc hiện tượng khóa hàm.

Đau do răng

  • Vị trí đau: Tập trung ở một răng cụ thể, có thể kèm theo sưng nướu, chảy mủ.
  • Cường độ đau: Tăng khi tiếp xúc với thức ăn nóng, lạnh, chua, ngọt hoặc khi nhấn vào răng.
  • Không có triệu chứng hạn chế há miệng hay tiếng kêu khớp hàm.

Đau do cơ nhai

  • Tính chất đau: Cảm giác đau mỏi, căng cơ vùng hàm, đặc biệt sau khi ăn nhai hoặc khi thức dậy (do nghiến răng ban đêm).
  • Vị trí đau: Lan tỏa rộng trong vùng hàm và thái dương, không khu trú ở khớp.
  • Dấu hiệu đặc trưng: Khi dùng tay ấn vào vùng cơ nhai (cơ cắn, cơ thái dương) thấy đau tăng lên.

Đau do thần kinh

  • Tính chất đau: Đau bỏng rát, tê bì, nhói như điện giật, xuất hiện đột ngột.
  • Hướng lan: Đi theo đường dây thần kinh, chẳng hạn như dây thần kinh sinh ba.
  • Không liên quan đến cử động hàm, nhai hay sờ nắn vào cơ.

Việc chẩn đoán chính xác nguồn gốc cơn đau rất quan trọng để có hướng điều trị đúng. Nếu bạn gặp các triệu chứng nghi ngờ loạn năng khớp thái dương hàm, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

3. Rối loạn khớp thái dương hàm điều trị như thế nào?

  • Điều trị nội khoa, giảm căng thẳng

Điều trị nội khoa nhằm mục đích làm giảm triệu chứng đau, mỏi cơ. Do đó, tuỳ thuộc triệu chứng mà sử dụng các loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên thuốc giảm đau, giãn cơ không phải là phương pháp chính điều trị bệnh rối loạn khớp thái dương hàm.

  • Vật lý trị liệu, thay đổi thói quen xấu ảnh hưởng hệ thống khớp

Vật lý trị liệu làm giảm đau bằng cách tăng tuần hoàn vùng khớp như: massage, chườm ấm, chiếu tia hồng ngoại, các bài tập vận động hàm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ…

Tuy nhiên, cũng như thuốc, vật lý trị liệu không phải là phương pháp điều trị chính, quan trọng nhất là người bệnh cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, thay đổi hành vi/ thói quen ảnh hưởng xấu đến hệ thống khớp thái dương hàm như nghiến răng, siết chặt răng. 

  • Máng nhai thư giãn

Máng nhai là một khí cụ có tác dụng giúp thư giãn cơ, định vị lại khớp, giảm áp lực lên khớp có chủ ý do đó có hiệu quả điều trị rối loạn khớp thái dương hàm. Máng nhai được làm bằng nhựa với độ chính xác cao, được điều chỉnh chi tiết, đặt giữa hai cung răng và có thể tháo lắp được.

  • Mài chỉnh khớp cắn

Sau khi mang từ 6 tuần đến 3 tháng, máng nhai sẽ giúp loại bỏ những rối loạn thăng bằng thần kinh - cơ trước đó, giúp khớp thái dương hàm hoạt động trơn tru hơn.

Tuy nhiên, khi tháo bỏ máng nhai nếu những vấn đề về khớp cắn chưa được loại bỏ thì những rối loạn thần kinh cơ sẽ có điều kiện phục hồi và dẫn đến tái phát loạn năng khớp.

Điều chỉnh khớp cắn giúp sự tiếp xúc răng được đều và tốt hơn, làm cho vận động hàm dưới được trơn tru, dễ dàng hơn góp phần loại bỏ rối loạn thần kinh cơ trước đó.

  • Tái tạo khớp cắn bằng phục hình răng, niềng răng

Phục hình những răng đã mất bằng phục hình cố định hoặc phục hình răng tháo lắp để lực nhai phân bố đều trên các răng, giảm tác động xấu lên khớp. Trong một số trường hợp phức tạp, răng di lệch, nhiều răng chen chúc… mà không thể điều chỉnh khớp cắn, tái tạo khớp cắn bằng phục hình răng thì bác sĩ sẽ chỉ định niềng răng. 

  • Phẫu thuật nội khớp 

Bơm rửa nội khớp và phẫu thuật khớp được thực hiện khi các biện pháp điều trị trên không đáp ứng. 

máng nhai điều trị khớp thái dương hàm
Máng nhai đều trị bệnh khớp thái dương hàm - Ảnh: BVRHMTW

4. Biến chứng của rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương diễn biến âm thầm theo thời gian nên người bệnh thường bỏ qua việc điều trị, đến khi cảm nhận được các triệu chứng rõ rệt thì có nguy cơ cao đã tiến triển thành thoái hóa khớp không hồi phục.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe răng miệng lẫn toàn thân ngày một giảm sút làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý không gây tử vong nhưng nếu phát hiện chậm sẽ rất khó điều trị và kèm theo nhiều biến chứng: 

  • Viêm khớp thái dương hàm
  • Thoái hóa khớp có thể xảy ra theo thời gian (viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp).
  • Tổn thương hoặc biến dạng khớp vĩnh viễn: Nếu không được điều trị, tình trạng viêm mãn tính có thể dẫn đến những thay đổi cấu trúc khớp không thể phục hồi.
  • Sai khớp cắn (răng lệch lạc): Thay đổi khớp cắn, lệch hàm do cơ hàm bị co cứng. 

Công nghệ điều trị rối loạn khớp thái dương hàm mới nhất tại Nha khoa Trẻ

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng là Trưởng phòng khám Nha khoa Trẻ được biết đến là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chỉnh nha tại Việt Nam.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, BS Nguyễn Huy Hoàng đã có cơ hội làm việc cùng GS. Braumann, một chuyên gia hàng đầu về chỉnh nha tại Đại học Cologne, Đức.

Tại đây, Bác sĩ đã tích lũy được kiến thức chuyên sâu về chỉnh nha cho cả trẻ em và người lớn, có cơ hội được tiếp cận công nghệ ModJaw - 4D - Dentistry tại Pháp. Công nghệ này vượt trội hơn cả kỹ thuật 3D, hứa hẹn mang lại một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nha khoa, đặc biệt là trong điều trị rối loạn khớp thái dương hàm. 

Thuật ngữ “Modjaw 4D” dùng để chỉ giải pháp kỹ thuật số được áp dụng trong nha khoa và chỉnh nha để phân tích chuyển động của hàm dưới theo thời gian thực.

Công nghệ Modjaw 4D cho phép nha sĩ tạo ra hình ảnh động 4D (ba chiều không gian và thời gian) về chức năng vận động hàm của bệnh nhân, bao gồm nhai, nói và các chuyển động khác, qua đó cho chẩn đoán chính xác, cung cấp dữ liệu để xác định tình trạng lệch lạc, vấn đề về khớp cắn.

Bác sĩ sử dụng dữ liệu thu thập được để thiết kế các phương pháp điều trị được cá nhân hóa cao, bao gồm niềng răng, niềng răng trong suốt hoặc phục hồi chức năng hàm.

Tình trạng đau do loạn năng khớp thái dương hàm ở giai đoạn đầu có thể  được xoa dịu bằng phương pháp đơn giản ngay tại nhà.

Bạn nên đặt một miếng gạc lạnh hoặc ấm lên vùng trước tai và nhẹ nhàng xoa bóp cơ hàm. Ăn một chế độ ăn mềm, cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ và tránh thức ăn cứng, dai hoặc dính. Cố gắng không mở miệng quá rộng, ngay cả khi bạn ngáp và quan trọng nhất là thả lỏng cơ hàm. Nên có một khoảng trống nhỏ giữa răng trên và dưới trừ khi nhai, nói hoặc nuốt.

Nếu các phương pháp trên không cho tiến triển cần đến thăm khám tại địa chỉ nha khoa uy tín để được điều trị kịp thời.

Nội dung chính
© 2025 Nha Khoa Trẻ.