Khi răng trẻ bắt đầu lung lay thì bố mẹ băn khoăn có nên nhổ răng sữa sớm cho bé hay không? Khi nào thì nên chủ động nhổ răng sữa cho bé? Hãy cùng tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây để được giải đáp nhé!
Nội dung bài viết
1. Cơ chế thay răng sữa ở trẻ nhỏ?
Trẻ mọc răng sữa đến khoảng 3 tuổi là hoàn thiện 20 chiếc răng trên cung hàm. Đến khoảng 6 tuổi thì những chiếc răng này bắt đầu lung lay và dần rụng đi để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên.
Thời gian răng sữa bắt đầu lung lay cho đến khi rụng đi phải mất đến vài tháng. Mầm răng vĩnh viễn bên dưới sẽ dần trồi lên và hỗ trợ răng sữa lung lay nhiều hơn. Khi răng sữa đã lỏng ra thì rất dễ rụng, trẻ chỉ cần lắc nhẹ là lấy được chiếc răng ra hoặc có thể nhờ bố mẹ giúp đỡ.
2. Có nên nhổ răng sữa sớm cho bé không?
Đến thời điểm răng của trẻ lung lay thì bố mẹ cũng không nên quá nôn nóng mà nhổ răng sữa sớm cho trẻ. Việc này sẽ khiến trẻ đau nhức, chảy máu nhiều hơn, thậm chí có thể gây ám ảnh làm bé sợ việc nhổ răng trong suốt giai đoạn thay răng sau này.
Khi nhổ răng sữa sớm sẽ làm khoảng thời gian chờ mọc răng vĩnh viễn bị kéo dài hơn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt và giảm sức ăn nhai của hàm răng. Đồng thời khi mất răng sữa sớm cũng sẽ có tác động xấu đến phát âm của trẻ, đặc biệt khả năng phát âm tiếng anh.
Hơn nữa, khi chiếc răng sữa bị mất hoặc bị can thiệp nhổ răng trước thời hạn thì sẽ làm mất phương hướng mọc lên sau này của răng vĩnh viễn. Cụ thể là các răng có thể xoay ngang, mọc lệch lạc, hô, móm làm mất thẩm mỹ. Một số trường hợp nhổ răng sữa sớm khác thì làm xương hàm phát triển kém hơn, cung hàm hẹp khiến răng vĩnh viễn không đủ chỗ mọc lên buộc phải mọc chen chúc, làm sai lệch cấu trúc răng.
Chính vì vậy, bố mẹ cần lưu ý đến thời điểm nhổ răng cho bé, đừng nhổ quá sữa sớm làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ. Đồng thời bố mẹ cũng nên nhắc nhở bé đừng cố lắc mạnh để bẻ răng.
3. Trường hợp nào thì nên chủ động nhổ răng sữa cho bé?
Mặc dù theo cơ chế thay răng là các răng sữa sẽ rụng đi để răng vĩnh viễn mọc lên, tuy nhiên trong một số trường hợp cần phải cân nhắc đến việc nhổ răng thay vì phải chờ răng sữa rụng.
- Nhổ răng sữa chưa lung lay nhưng mầm răng vĩnh viễn đã mọc lên khiến trẻ gặp tình trạng răng mọc lẫy.
- Răng sữa bị sâu, mẻ vỡ đã điều trị nhiều lần nhưng không có chuyển biến tích cực.
- Răng sữa đã bị viêm, nhiễm trùng, bị hư tủy nếu để lâu sẽ lây lan sang các răng kế cận.
- Răng bị viêm cement cấp, viêm quanh chóp, tụt nướu,…có nguy cơ nhiễm khuẩn xuống vùng mầm răng vĩnh viễn.
Đối với các trường hợp trên thì việc nhổ răng cho bé là cần thiết để bảo vệ răng vĩnh viễn ở trẻ. Tuy nhiên nhổ răng cần thực hiện đúng cách, đúng kỹ thuật để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm.
4. Làm thế nào để bé thay răng đúng thời điểm, răng vĩnh viễn mọc lên đều đẹp
- Để bé mọc răng vĩnh viễn đều đẹp thì bố mẹ hãy theo dõi sát sao quá trình phát triển của răng để kịp thời phát hiện những sai lệch để điều chỉnh sớm.
- Không sử dụng các cách tự nhổ răng tại nhà cho bé, tránh làm tổn thương nướu lợi và tâm lý của trẻ sau này.
- Trong quá trình thay răng thì bố mẹ nên cho bé ăn những thực phẩm mềm, dễ nuốt và giàu canxi để giúp răng vĩnh viễn chắc khỏe hơn. Hạn chế cho bé ăn nhiều đồ ngọt vì chúng dễ khiến răng bé bị đen, xỉn màu, thậm chí làm sâu hỏng răng.
- Nhắc nhở bé vệ sinh răng miệng thường xuyên 2 lần/ngày. Lưu ý là nên lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Nên đưa bé đến nha khoa thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo răng bé phát triển bình thường và phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý răng miệng (nếu có).
Như vậy, nhổ răng sữa sớm cho bé là việc làm không cần thiết và gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe răng miệng của bé. Do đó, nếu bố mẹ khó xác định được thời điểm nhổ răng cho bé thì hãy đưa bé đến nha khoa trẻ em để được bác sĩ theo dõi và nhổ răng cho bé đúng thời điểm.
Tác giả: