Một số dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi mà ba mẹ nên biết
Tổng hợp một số dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi và cách dùng để ba mẹ thực hiện vệ sinh hiệu quả cho bé tại nhà.
Ba mẹ biết không, trẻ nhỏ cũng cần được vệ sinh răng và miệng từ lúc sinh ra đến khi mọc răng sữa và răng vĩnh viễn. Khi bé được 1 tuổi, nhiều bé đã mọc 8 răng cửa và ba mẹ cần phải tìm hiểu các dụng cụ vệ sinh răng miệng cũng như cách chăm sóc răng miệng cho bé 1 tuổi tại nhà.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, do đó không nên áp dụng cách vệ sinh răng miệng thông thường của người lớn cho trẻ nhỏ. Trẻ 1 tuổi chưa mọc đầy đủ tất cả các răng sữa, ba mẹ cần nắm vững công dụng và cách dùng của các dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé để giúp bé không những có răng sạch mà còn giúp nướu khỏe, lưỡi xinh.
Dưới đây là chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Bác sĩ Nha khoa trẻ em về các loại dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi và cách dùng. Ba mẹ có thể tham khảo để chăm sóc răng miệng cho bé tại nhà tốt nhất.
1. Dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi gồm những loại nào?
Việc chăm sóc răng miệng sớm cho trẻ là điều mà ba mẹ nên lưu tâm để xây dựng cho bé thói quen tốt ngay từ bé. Bé khó có thể tự vệ sinh răng miệng khi 1 tuổi, do đó ba mẹ là người đóng vai trò rất lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ răng miệng của bé. Một số dụng cụ vệ sinh đơn giản mà ba mẹ có thể sử dụng hằng ngày cho bé:
Dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi | Mục đích | Thời gian sử dụng |
Bàn chải mềm | Ba mẹ đánh những chiếc răng sữa đầu tiên cho bé. | Sau mỗi bữa ăn. Tối thiểu là 2 lần/ ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. |
Gạc mềm có thấm nước ấm hoặc nước muối sinh lí. | Khi bé chưa mọc răng hay mới mọc một vài chiếc răng đầu tiên, bạn cần vệ sinh răng nướu cho bé bằng gạc mềm thấm nước ấm sạch hoặc nước muối pha loãng (tốt nhất là với nước muối sinh lí). Ngoài ra, gạc mềm còn để rơ lưỡi cho bé. | Sau mỗi bữa ăn. Tối thiểu là 2 lần/ ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng gạc mềm trước khi đánh răng. |
Bàn chải lưỡi | Nếu bé hợp tác tốt, ba mẹ có thể dùng bàn chải lưỡi với nước để chải lưng lưỡi trừ trong ra ngoài. | Sau mỗi bữa ăn. Tối thiểu là 2 lần/ ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Chải lưỡi trước khi đánh răng. |
2. Lưu ý khi lựa chọn dụng cụ vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi
Có nhiều cách bảo vệ và phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ, ba mẹ nên lưu ý đến việc chọn bàn chải, kem đánh răng phù hợp lứa tuổi và thực hành chải răng đúng cách.
- Lựa chọn bàn chải: Ba mẹ cần ưu tiên loại có đầu tròn nhỏ với cổ bàn chải ngắn để làm sạch các răng cửa trước. Lông bàn chải cho trẻ là loại lông siêu mềm đủ để loại bỏ các mảng bám mà không gây trầy xước nướu. Lựa chọn bàn chải với màu sắc khác nhau và bắt mắt để giúp trẻ tăng hứng thú, vui vẻ và hợp tác khi được ba mẹ chải răng.
- Lựa chọn kem đánh răng: Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể dùng kem đánh răng có chứa Fluoride để ngừa sâu răng. Ba mẹ nên chọn loại kem đánh răng không đường, chứa Xylitol và Active Fluoride để chống sâu răng. Rất nhiều trẻ nhỏ thích ăn hoặc mút kem đánh răng nên ba mẹ cần chọn loại kem an toàn nếu trẻ lỡ nuốt phải. Mẹ có thể tạo hứng thú cho bé bằng cách chọn kem đánh răng có mùi vị (táo, cam, dâu, nho) mà bé thích.
3. Cách chăm sóc răng miệng cho bé 1 tuổi tại nhà
Một sốcách chăm sóc răng miệng cho bé 1 tuổi ngay tại nhà mỗi ngày mà ba mẹ nên lưu lại:
- Vệ sinh răng miệng: Ba mẹ đánh răng bằng bàn chải lông mềm với kem đánh răng có Fluoride. Với trẻ 1 tuổi, ba mẹ nên đánh răng kiểu xoay tròn để lông bàn chải chui vào kẽ răng lấy sạch thức ăn bám dính, đánh ở mặt ngoài và mặt trong các răng cửa ở hai hàm. Mẹ cũng nên vệ sinh vùng nướu ở phía trong chưa mọc răng sữa bằng gạc mềm có thấm nước ấm hoặc nước muối pha loãng.
- Chỉ nên cho một lượng vừa phải kem đánh răng chứa fluoride với kích thước khoảng hạt gạo trên bàn chải.
- Vệ sinh lưỡi: Đối với trẻ nhỏ 1 tuổi, ba mẹ có thể dùng gạc mềm hoặc bàn chải lưỡi để chải mặt lưng lưỡi từ trong ra ngoài.
- Buổi tối sau khi đánh răng không nên cho bé uống sữa. Nếu bé có sở thích bú sữa trước khi ngủ thì mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước lọc sau khi uống sữa.
- Ăn uống: Hạn chế ăn đồ ngọt cũng như thức ăn chứa nhiều axit như nước ngọt có ga. Đường trong các món ngọt bị vi khuẩn trong miệng tiêu hóa, sẽ chuyển hóa thành axit có thể làm mòn men răng và dẫn đến sâu răng. Mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước lọc ngay sau ăn kẹo.
- Cho bé ăn chế độ cân bằng các dinh dưỡng, đặc biệt khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh để ngăn ngừa sâu răng và kích thích xương hàm phát triển toàn diện.
Bộ răng sữa có chức năng quan trọng trong việc ăn nhai, phát âm, thẩm mỹ, giữ chỗ và định hướng cho răng vĩnh viễn mọc. Đặc biệt là kích thích xương hàm phát triển, giúp các răng vĩnh viễn mọc thẳng hàng, đều đặn. Ba mẹ cần hiểu rõ vai trò của bộ răng sữa, từ đó giúp bé vệ sinh răng miệng tốt cũng như xây dựng cho bé thói quen vệ sinh khi lớn lên.