Viêm khớp thái dương hàm mặc dù không phải là bệnh lý răng miệng nguy hiểm nhưng nó gây ra nhiều vấn đề về như đau nhức hàm, khó mở miệng. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ăn uống của người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, bệnh lý viêm khớp hàm rất thường gặp lên tới 50% dân số nhưng chưa có nhiều người hiểu rõ về tình trạng này. Đồng thời việc điều trị viêm khớp thái dương hàm cũng tương đối khó và không nhiều bác sĩ có thể điều trị được. Vậy viêm khớp thái dương hàm là gì? Cách điều trị như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.
Nội dung bài viết
1. Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt. Cấu tạo của nó gồm có diện khớp của xương hàm dưới, xương thái dương và các thành phần khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm đảm nhận vai trò đóng mở hàm để hoạt động các chức năng nhai, nuốt, nói,…
Tình trạng viêm khớp thái dương hàm với tên gọi khác là rối loạn khớp thái dương hàm làm mất sự ổn định của khớp hàm, gây rối loạn khớp hàm. Từ đó hình thành các triệu chứng đau nhức vùng cơ mặt, co thắt cơ, làm mất cân bằng khớp nối giữa xương sọ và xương hàm. Các chức năng của khớp thái dương cũng suy giảm đáng kể, tác động tiêu cực đến khả năng ăn nhai và trong sinh hoạt hàng ngày.
Rối loạn khớp thái dương hàm được đánh giá dựa trên 2 dạng bệnh lý là rối loạn khớp và rối loạn cơ.
- Rối loạn khớp: Bao gồm các tình trạng gãy khớp, cứng khớp, trật khớp, viêm xương khớp thái dương hàm, viêm khớp thái dương hàm, rối loạn phức hợp đĩa lồi cầu, rối loạn bẩm sinh và phát triển (bất sản, thiểu sản, quá sản, loạn sản, tân sinh).
- Rối loạn cơ: Co thắt cơ, đau cơ khư trú, viêm cơ, đau cơ mạc, đau cơ nguồn gốc thần kinh, xơ hóa cơ, u cơ.
2. Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Bệnh lý viêm khớp thái dương hàm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu được phân chia theo các nhóm nguyên nhân dưới đây.
- Bất thường cấu trúc và hình thái khớp bao gồm: Lồi cầu, lồi cầu 2 thùy, trục lồi cầu hướng ra sau, vôi hoá khe nhĩ trai, khe đá nhĩ, hình thái bám mô sau đĩa, lỏng khớp.
- Tổn thương khớp do phản ứng miễn dịch, miễn dịch tại chỗ do vi khuẩn chlamydia trachomatis,mycoplasma genitalium gây ra hoặc tình trạng miễn dịch toàn thân như viêm khớp thấp, viêm đa khớp, viêm khớp vẩy nến.
- Rối loạn nội tiết tố làm thay đổi lượng Estrogen trong cơ thể dẫn đến tình trạng giãn dây chằng khớp, rối loạn chuyển hóa mô sụn sợi, giảm ngưỡng đau. Đồng thời nồng độ Vitamin D bị suy giảm sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương khi thiếu hụt vitamin D.
- Chấn thương khớp trực tiếp hoặc gián tiếp, cụ thể là những tác động gây tổn thương khớp, đĩa, lồi cầu dẫn đến loạn cấu trúc khớp. Một số trường hợp khác có thể xảy ra do chấn thương giật cổ làm kéo dãn dây chằng bao khớp, tăng trương lực cơ nhai kéo dài.
- Vi chấn thương khớp do bất thường hoạt động nhai với các trường hợp mất khớp cắn chức năng, lệch khớp cắn hạng II, Stress, rối loạn tư thế đầu.
3. Triệu chứng và tác hại của bệnh lý viêm khớp thái dương hàm
Như đã nói ở trên, viêm khớp thái dương hàm làm ảnh hưởng đến sự vận động của khớp hàm, người bị bệnh viêm khớp hàm sẽ gặp các vấn đề dưới đây:
- Mở miệng, đóng miệng khó khăn ảnh hưởng đến việc giao tiếp hàng ngày.
- Mỏi cơ khi ăn nhai khiến việc ăn uống gặp khó khăn.
- Đau nhức các cơ nhai như đau vùng góc hàm, đau thái dương, đau vùng hàm dưới, thậm chí còn gây đau nhức cơ vùng gáy, vùng cổ, vùng cánh tay.
- Đau khớp thái dương hàm, đau vùng trước tai, đau trong tai.
- Một số trường hợp còn gây đau nhức các răng, đặc biệt là các răng ăn nhai chính là răng hàm số 6, số 7.
- Một số triệu chứng khác: Sưng tuyến nước bọt dưới hàm một bên, Chảy nước mắt, đau sau hốc mắt, Cảm giác nóng bỏng, châm chích vùng mũi – hầu.
Xem thêm: Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi không?
Với các triệu chứng như trên thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình ăn nhai, quá trình giao tiếp hay sinh hoạt hàng ngày của bạn. Vậy nên, tốt nhất là bạn hãy đến bác sĩ thăm khám để biết chính xác nguyên nhân cũng như phương án điều trị phù hợp. Từ đó, sức khỏe răng miệng và sức khỏe cơ thể cũng được đảm bảo lâu dài.
4. Phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm
4.1 Rối loạn khớp thái dương hàm phải làm sao?
Khi thăm khám tại nha khoa thì bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang sọ nghiêng, chụp Conebeam CT để tiến hành chẩn đoán dựa trên ảnh phim 3D. Khi đó sẽ xác định được mức độ tổn thương của khớp thái dương hàm và bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn cách điều trị thích hợp. Nguyên tắc chung là điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân sinh bệnh và điều trị sữa chữa, phục hồi các bất thường và tổn thương cấu trúc.
Phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay thường dùng thuốc kê đơn của bác sĩ. Đồng thời kết hợp với một số biện pháp giảm đau tại nhà cho người bệnh như chườm nóng, chườm lạnh. Kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, thực đơn hàng ngày sẽ các thức ăn mềm để hạn chế hoạt động ăn nhai của khớp hàm.
Các trường hợp muốn nhanh chóng đạt kết quả điều trị viêm khớp thái dương hàm thì sẽ thực hiện các biện pháp điều trị khác tại nha khoa như đeo máng định hướng khớp cắn, mài chỉnh khớp cắn, phục hình răng, niềng răng tái tạo khớp cắn. Bằng cách điều chỉnh lại khớp cắn sẽ giúp hàm trên và hàm dưới cân xứng với nhau, từ đó giảm tác động tiêu cực đến khớp thái dương hàm.
Một số ít trường hợp viêm khớp thái dương hàm sẽ phải phẫu thuật hàm, cụ thể là ở các trường hợp xảy ra cơn đau quá nghiêm trọng và các phương pháp khác không mang lại hiệu quả điều trị.
4.2. Các chỉ định điều trị viêm khớp thái dương hàm
Các phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm cụ thể bao gồm:
- Điều trị nội nha hay điều trị thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng.
- Nắn chỉnh khớp thái dương hàm đưa lồi cầu định vị trở lại trên đĩa khớp trong trường hợp mới bị há miệng hạn chế lần đầu trong thời gian không quá ba tuần.
- Vật lý trị liệu bằng các biện pháp massage, chườm ấm,chiếu tia hồng ngoại hỗ trợ tăng tuần hoàn vùng khớp, giúp cải thiện triệu chứng đau nhức.
- Đeo máng nhai thư giãn để định vị lại khớp cắn, thường sử dụng loại máng nhai trong suốt.
- Mài chỉnh khớp cắn hay tái tạo hướng dẫn răng nanh chỉ thực hiện sau khi mang máng nhai từ 6 tuần đến 3 tháng, giúp sự tiếp xúc răng được đều và tốt hơn, làm cho vận động hàm dưới được trơn tru, dễ dàng hơn.
- Tái tạo khớp cắn toàn bộ bằng kỹ thuật phục hình, niềng răng, hoặc phẫu thuật hàm với các trường hợp viêm khớp thái dương hàm trầm trọng.
- Phẫu thuật nội soi khớp được chỉ định khi không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn.
- Phẫu thuật thay khớp là giải pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp phẫu thuật khác thất bại.
Xem thêm:
Viêm khớp thái dương hàm nên ăn gì? Kiêng gì? Những lưu ý cần biết
Bài tập chữa Viêm khớp thái dương hàm và cách giảm đau tại nhà
Như vậy, tình trạng viêm khớp thái dương hàm gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hàng ngày cũng như sức khỏe của người bệnh. Vậy nên, nếu có bất cứ triệu chứng nào liên quan đến khớp cắn ở trên thì bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để được tư vấn chi tiết hơn nữa về tình trạng viêm khớp thái dương hàm thì bạn có thể liên hệ với Nha khoa Trẻ theo địa chỉ sau đây:
- Địa chỉ: 38 Ngụy Như Kon Tum – Thanh Xuân – Hà Nội
- Hotline: 0901.334.334
- Fanpage: nhakhoatrehanoi
- Trang web: https://nhakhoatre.com/