NHA KHOA TRẺ – Chỉnh nha cùng chuyên gia Invisalign

Giờ mở cửa: T2 – T6: 8:30 – 18:30, T7 – CN: 8:00 – 18:00 – Hotline: 0901.334.334 – 38 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội

  • Cẩm nang
  • Neo chặn trong chỉnh nha có tác dụng gì? Có mấy loại?

Neo chặn trong chỉnh nha có tác dụng gì? Có mấy loại?

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Bác sĩ sáng lập Nha khoa Trẻ Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa, đặc biệt về chỉnh nha, chỉnh nha trẻ em, điều trị bệnh lý khớp thái dương hàm
- Xuất bản: 04/03/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/02/2025

Neo chặn trong chỉnh nha được ứng dụng để hỗ trợ quá trình dịch chuyển răng, ngăn những chuyển động không mong muốn của răng.

Neo chặn trong chỉnh nha có tác dụng gì? Có mấy loại?
Neo chặn trong chỉnh nha có tác dụng gì? Có mấy loại?

Vậy neo chặn trong chỉnh nha là gì? Có tác dụng gì? Trường hợp nào cần sử dụng? Theo dõi ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác!

1. Neo chặn chỉnh nha là gì?

Neo chặn là sự chống lại di chuyển của răng không mong muốn. Khi có một lực làm di chuyển một nhóm răng theo một hướng nhất định thì sẽ luôn có một lực tương đương tác động theo hướng ngược lại. Do đó việc lựa chọn những răng mà chúng ta muốn để hạn chế sự di chuyển của nó cũng rất quan trọng.

Có thể hiểu rằng, neo chặn giúp cố định một hoặc một số răng để những răng khác có thể di chuyển theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ. 

Neo chặn nhằm mục đích:

  • Đảm bảo hiệu quả điều trị: Khi niềng răng, lực tác động lên răng sẽ khiến răng di chuyển. Nếu không có neo chặn, các răng khác cũng có thể bị di chuyển theo, gây ra những biến đổi không mong muốn và ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
  • Ngăn ngừa các biến chứng: Neo chặn giúp giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình niềng răng như răng bị xô lệch, mất khoảng trống, ảnh hưởng đến khớp cắn...

Có 2 nhóm neo chặn được phân chia theo vị trí bao gồm:

  • Nguồn gốc trong miệng hay neo chặn trong miệng
  • Nguồn gốc ngoài miệng hay neo chặn ngoài miệng.
Hình ảnh neo chặn nguồn gốc trong miệng

2. Các loại neo chặn trong chỉnh nha

2.1. Neo chặn trong miệng

Neo chặn trong miệng có thể được đặt vào một số vị trí:

  • Răng: Những răng khỏe mạnh, có chân răng chắc khỏe sẽ được sử dụng làm neo chặn.
  • Xương: Một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng vít neo chặn đặt vào xương hàm để tăng cường lực neo chặn.

Một số loại neo chặn trong miệng điển hình như:

  • Neo chặn răng: Sử dụng một nhóm răng làm điểm tựa để cố định các răng khác.
  • Minivis: Đặt một vít nhỏ vào xương hàm, sau đó gắn dây chun vào vít để tạo lực neo chặn.
  • Neo chặn bằng dây cung: Sử dụng dây cung để kết nối các răng cần neo chặn với nhau.
  • Neo chặn bằng thun: Dùng thun để tạo lực kéo hoặc đẩy các răng, giúp tạo lực di chuyển.

2.2. Neo chặn ngoài miệng

Neo chặn ngoài miệng là những khí cụ được sử dụng bên ngoài khoang miệng để tạo lực ổn định hoặc hỗ trợ dịch chuyển răng. Đây thường là lựa chọn trong các trường hợp cần kiểm soát lực tối đa.

Một số loại neo chặn ngoài miệng như:

  • Headgear (Khí cụ ngoài mặt): loại khí cụ phổ biến gồm các dây đeo quanh đầu hoặc gáy, kết hợp với cung mặt (face bow) gắn vào răng trong miệng. Có Headgear kéo cổ, kéo cao hoặc kéo kết hợp.
  • Facemask (Khí cụ chỉnh hàm mặt): khí cụ với khung đỡ bên ngoài mặt, được gắn dây thun kéo từ răng trong miệng ra ngoài.
  • Khí cụ mở rộng hàm trên: Khí cụ cố định gắn vào các răng hàm trên, tạo ra lực tách hai hàm ra để mở rộng cung hàm.

3. Kế hoạch neo chặn

Khi quyết định khoảng cách cần thiết để xử lý tình trạng sai khớp cắn trong cần lên kế hoạch cho khoảng trống có khả năng bị mất do chuyển động bất biến của răng neo chặn.

Lúc này, yêu cầu neo chặn trong chỉnh nha tùy thuộc vào:

  • Số lượng răng cần di chuyển: Số lượng răng được di chuyển càng nhiều thì yêu cầu neo chặn càng cao. Để đảm bảo giảm tải lên các răng neo chặn, hỗ trợ dịch chuyển răng hiệu quả hơn, kế hoạch lúc này là:
    • Di chuyển răng thành từng đoạn.
    • Di chuyển răng nanh riêng tốt hơn là di chuyển toàn bộ nhóm răng trước cùng nhau. 
  • Loại răng được di chuyển: Các trường hợp chân răng to, dài. có nhiều hơn 1 chân răng sẽ cần nhiều lực tải ở răng neo chặn. Khi đó, sẽ có di chuyển răng nanh nhiều hơn so với một răng cửa hay 1 răng hàm lớn so với 1 răng hàm nhỏ.
Kế hoạch neo chặn trong chỉnh nha
  • Kiểu di chuyển: Nếu di chuyển răng tịnh tiến sẽ yêu cầu nhiều lực hơn khi làm nghiêng răng đó vì răng sẽ có xu hướng di chuyển về những chỗ mà nó ít gặp lực cản hơn (về phía của vị trí nhổ răng). 
  • Tình trạng nha chu: Tình trạng răng bị nha chu hoặc xương giảm khả năng nâng đỡ thì các răng sẽ dễ dịch chuyển hơn so với trường hợp răng lợi khỏe mạnh. Khi răng nằm trong xương xốp, thì khả năng kháng lại sự di chuyển của nó thấp hơn. Nhưng khi chúng nằm trong xương vỏ, nguyên lý neo chặn của răng tăng lên bởi vì xương này đặc hơn, gồm nhiều lớp và rắn chắc hơn nhiều và hạn chế cấp máu. 
  • Thời gian di chuyển răng: Điều trị trong thời gian dài đặt nhiều lực căng lên răng neo chặn hơn. 

4. Phân loại các yêu cầu neo chặn

4.1. Neo chặn tối đa

Đây là trường hợp cần đảm bảo neo chặn chỉnh nha được giữ vững ở mức cao nhất. Loại này được áp dụng khi khoảng trống trong hàm cần được tận dụng tối đa để điều chỉnh sai lệch khớp cắn và việc để mất neo chặn phải được hạn chế tối đa.

Trong tình huống này, chỉ một phần rất nhỏ (ít hơn một phần tư) của khoảng trống mất răng được phép bị mất do răng neo chặn di chuyển về phía trước.

Vì vậy, cần có kế hoạch chăm sóc cẩn thận để bảo vệ neo chặn, đồng thời áp dụng thêm các phương pháp hỗ trợ nhằm tăng cường sự ổn định của neo chặn.

Neo chặn tối đa

4.2. Neo chặn trung bình

Đây là trường hợp các răng neo chặn có thể di chuyển về phía trước và lấp vào khoảng trống nhổ răng, chiếm từ 1/4 đến 1/2 khoảng trống này. Trong tình huống này, việc tăng cường neo chặn có thể không được chỉ định.

4.3. Neo chặn tối thiểu

Trường hợp này xảy ra khi khoảng trống nhổ răng cần dùng để sửa khớp cắn là rất ít (dưới 1/2 khoảng trống). Phần lớn khoảng trống còn lại sẽ được đóng bằng cách di chuyển răng neo chặn về phía trước hoặc chấp nhận mất neo chặn.

5. Các phương pháp kiểm soát neo chặn

5.1. Tăng cường neo chặn

  • Thêm răng trong cùng 1 nhóm neo chặn
  • Thêm răng bằng cách dùng thun từ cung hàm đối diện
  • Neo chặn trong miệng
  • Neo chặn ngoài mặt.
Tăng cường neo chặn khi chỉnh nha

5.2. Chia nhỏ di chuyển răng mong muốn (đóng khoảng từng bước)

  • Kéo lùi răng nanh trước
  • Kéo lùi 4 răng cửa

5.3. Nghiêng răng, dựng trục

  • Hệ thống thực cho phép răng neo chặn chỉ dịch chuyển tịnh tiến, răng dịch chuyển được phép nghiêng và sau đó dựng trục.

6. Khi sử dụng neo chặn cần lưu ý gì?

Neo chặn là một phần của kế hoạch chỉnh nha để giúp răng di chuyển đúng theo kế hoạch, vì vậy trong quá trình chỉnh nha, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng khí cụ chỉnh nha hoặc neo chặn, như đeo khí cụ đủ thời gian hoặc không tự ý tháo lắp, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng: Neo chặn, đặc biệt là các khí cụ gắn cố định, có thể làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám và gây viêm nướu vì vậy cần đánh răng kỹ càng, sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để giữ vùng xung quanh khí cụ luôn sạch sẽ.
  • Tránh các thói quen xấu như nhai đồ cứng, ăn đồ ăn dính, mút ngón tay,... vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của neo chặn.
  • Sử dụngsáp nha khoa để hạn chế tình trạng loét miệng do sự cọ sát do neo chặn gây ra.
  • Đi khám ngay khi có vấn đề bất thường: neo chặn lỏng, gãy, đau nhức hoặc gây khó chịu; các triệu chứng như viêm, sưng hoặc chảy máu vùng neo chặn cũng cần được xử lý sớm.
  • Tuân thủ lịch hẹn tái khám để bác sĩ kiểm tra tình trạng neo chặn và điều chỉnh kịp thời nếu cần.

Trên đây là những thông tin về neo chặn trong chỉnh nha, hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Nếu cần thăm khám hoặc tư vấn chi tiết về kỹ thuật sử dụng neo chặn hay niềng răng thì có thể đến Nha khoa Trẻ để được bác sĩ thăm khám, hỗ trợ.

© 2025 Nha Khoa Trẻ.