
Viêm tủy răng nói chung và viêm tủy răng sữa nói riêng là bệnh lý răng miệng rất phổ biến. Ở trẻ em, nếu không chú ý chăm sóc răng miệng thì nguy cơ sâu răng, viêm tủy là rất cao. Khi đó sẽ gây ra rất nhiều nguy hại cho sức khỏe răng miệng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh lý viêm tủy răng ở trẻ em cũng như cách điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con.
Nội dung bài viết
1. Viêm tủy răng là gì?
Viêm tủy răng là tình trạng mô tủy răng bị viêm nhiễm, hoại tử một phần hoặc toàn bộ tủy răng. Mà mô tủy được tạo thành từ rất nhiều mạch máu và dây thần kinh, lúc này sẽ làm tăng áp lực nội tủy chèn ép thần kinh. Từ đó gây ra tình trạng đau nhức dữ dội khiến trẻ ăn uống khó khăn, ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần.



Viêm tủy răng, hoại tử tủy gây chèn ép dây thần kinh
2. Dấu hiệu nhận biết viêm tủy răng ở trẻ
Bệnh viêm tủy răng tiến triển âm thầm qua từng giai đoạn. Ban đầu có thể không gây ảnh hưởng nhưng về lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ cần nắm rõ các triệu chứng viêm tủy răng ở trẻ em để phát hiện và xử lý kịp thời cho con.
Các dấu hiệu cho thấy bé đang bị viêm tủy răng như sau:
- Xuất hiện cơn đau nhức quanh răng, đau nhức dai dẳng và diễn ra thường xuyên.
- Cảm giác ê buốt xuất hiện khi ăn đồ nóng, lạnh, chua, ngọt,…
- Cơn đau nhức răng nghiêm trọng hơn khi chạm vào răng hoặc ăn nhai do tổn thương dây thần kinh ở tủy răng.
- Viêm tủy răng ở trẻ em thường đau nhiều hơn về đêm, có thể đau nhói hoặc đau âm ỉ.
- Màu răng thay đổi, thường những tổn thương ở bề mặt răng gây viêm tủy sẽ khiến răng có màu đen xám.
- Nướu gần vùng răng bị đau có dấu hiệu sưng tấy, có thể bị lặp đi lặp lại nhiều lần.
3. Nguyên nhân gây viêm tủy răng ở trẻ em
Tủy răng được bao bọc trong ngà răng và men răng, chúng có nhiệm vụ bảo vệ ngà răng tránh khỏi những tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi các cấu trúc răng bị tổn thương, cụ thể là men răng và ngà răng bị ăn mòn thì sẽ làm lộ tủy răng và gây viêm nhiễm.
3.1 Sâu răng gây viêm tủy răng
Xét về nguyên nhân phổ biến nhất thì tình trạng viêm tủy răng ở trẻ em thường xảy ra do sâu răng. Đầu tiên vi khuẩn cùng với acid trong khoang miệng tấn công phá hủy men răng, răng dần hình thành các lỗ sâu to nhỏ có màu nâu đen.
Sau một thời gian không được điều trị, ngà răng bên trong men răng tiếp tục bị tấn công. Khi đó ngà răng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn nên trẻ sẽ có cảm giác ê buốt khi ăn uống, đặc biệt là đồ lạnh và chua. Khi lỗ sâu răng ngày càng lớn, phần ngà răng cũng không còn thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tủy răng gây viêm. Viêm tủy cấp tính sẽ kèm theo triệu chứng đau nhức dữ dội.



Sâu răng là nguyên nhân chính gây viêm tủy
3.2 Chấn thương ở răng
Nếu trẻ gặp chấn thương ở răng khiến phần chân răng hoặc tủy răng bị tổn thương thì lâu dần sẽ gây viêm tủy răng. Các trường hợp răng sứt mẻ, gãy vỡ do chấn thương nếu không được phục hình kịp thời mà để phần tủy răng lộ ra ngoài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào cấu trúc răng gây viêm tủy.
4. Biến chứng khó lường từ viêm tủy răng ở trẻ
Dù viêm tủy răng ở trẻ em xảy ra do bất kỳ nguyên nhân nào thì đều là một mối nguy hiểm đáng lo ngại cho trẻ. Bệnh lý tiến triển nặng sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề khác về sức khỏe răng miệng, bao gồm:
- Viêm tủy sau này sẽ gây viêm tủy cấp, hoại tử tủy răng dẫn đến chết tủy hoàn toàn.
- Tủy răng chết chính là cắt đứt nguồn sống của răng khiến răng lung lay, dễ gãy rụng gây mất răng. Nếu là răng vĩnh viễn thì sau này sẽ phải phục hình răng giả, đối với răng sữa mất sớm sẽ làm các răng mọc lộn xộn, sai khớp cắn.
- Viêm nhiễm lan rộng xuống các tổ chức quanh răng, gây tổn thương nha chu, viêm xương hàm, nang chân răng,…



Viêm tủy răng ở trẻ em gây đau nhức cùng nhiều biến chứng khác
5. Cách điều trị viêm tủy răng ở trẻ em
Đối với các trường hợp viêm tủy răng ở trẻ em thì cách tốt nhất để xử lý là bố mẹ nên đưa trẻ đến nha khoa uy tín. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám, đánh giá mức độ viêm nhiễm để có giải pháp điều trị phù hợp.
Bệnh lý này ở trẻ em được đánh giá dựa trên 2 trạng thái là viêm tủy răng có hồi phục và viêm tủy răng không hồi phục. Phương pháp chữa tủy răng cho bé cũng sẽ khác nhau giữa 2 trường hợp này bởi mức độ nặng nhẹ của bệnh lý là khác nhau.
5.1 Điều trị viêm tủy răng có hồi phục
Viêm tủy răng ở trẻ em có hồi phục là khi phần mô tủy răng bị viêm nhiễm nhẹ, vẫn có khả năng hồi phục nếu can thiệp kịp thời. Khi đó, nguyên tắc điều trị bệnh lý là loại bỏ các mô viêm nhiễm, bảo tồn và bảo vệ tủy răng, hồi phục những tổn thương phần mô cứng.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch các lỗ sâu nhưng không lấy hết phần ngà phản ứng. Tiếp đó là trám lót bằng bằng Canxi Hydroxit, MTA hoặc chất dán ngà (dentin bonding). Cuối trùng trám răng phục hình bằng GIC ngay sau trám lót.
5.2 Viêm tủy răng không hồi phục
Trường hợp nặng hơn khi viêm tủy răng cấp tính cũng chính là viêm tủy răng không thể hồi phục tủy. Lúc này bác sĩ sẽ phải tiến hành làm sạch tủy răng, tạo hình ống tủy, hàn gắn hệ thống ống tủy để phục phục hồi những tổn thương ở mô cứng.
Để hạn chế đau nhức cho người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê trước điều trị. Tiếp đó là mở tủy, bơm rửa và sửa soạn ống tủy, tạo hình và làm sạch hệ thống ống tủy. Để hoàn tất ống tủy thì bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu phù hợp để hàn bít hệ thống ống tủy sau tái tạo. Hàn răng phục hồi hoặc bọc răng sứ để phục hình thân răng, từ đó bảo vệ răng khỏe mạnh.
Xem thêm:
Bé 3 tuổi có lấy tủy răng được không?
Lấy tủy răng sữa có đau không? Có ảnh hưởng gì không?



Điều trị tủy, làm sạch hoàn toàn tủy viêm
6. Cách phòng ngừa bệnh lý viêm tủy răng cho trẻ nhỏ
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh lý viêm tủy răng ở trẻ em thì cần xuất phát từ nguyên nhân sâu xa của bệnh lý sâu răng. Đây là hệ quả của quá trình vệ sinh và chăm sóc răng miệng sai cách ở trẻ, làm tồn đọng mảng bám và vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.
Vì vậy, giải pháp phòng ngừa cần chú trọng nhất chính là xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng tốt nhất cho trẻ. Cụ thể:
- Hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Sử dụng bàn chải lông mềm, kết hợp với kem đánh răng phù hợp với độ tuổi (lượng Fluor khác nhau) để tăng cường sức khỏe cho răng.
- Cho trẻ súc miệng nước muối và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng toàn diện hơn.
- Đừng quên chải lưỡi mỗi khi đánh răng vì đây cũng là vị trí tồn đọng rất nhiều vi khuẩn.
- Hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ăn chứa đường hoặc các loại đồ ăn dính như kẹo dẻo, trái cây sấy,…
- Nên súc miệng nước lọc sau khi ăn để giảm bớt lượng mảng bám trong khoang miệng.
- Thăm khám nha khoa định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần để kiểm tra, theo dõi sức khỏe răng miệng. Đồng thời phát hiện kịp thời các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả.
Trên đây là những kiến thức về bệnh lý viêm tủy răng ở trẻ em, hy vọng đã giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan nhất về tình trạng này. Nếu cần giải pháp bất cứ thắc mắc nào khác thì bố mẹ có thể liên hệ với Nha khoa Trẻ để được bác sĩ hỗ trợ nhanh chóng.