Fluor là thành phần dinh dưỡng có trong nhiều loại thực phẩm, có trong nước uống, nước súc miệng hay kem đánh răng. Điều này chứng tỏ Fluor rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng và cơ thể của con người. Vậy Fluor là gì? Vai trò của thành phần Fluor như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết ngay sau đây.
Nội dung bài viết
1. Fluor là gì?
Fluor là vi chất dinh dưỡng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, giúp quá trình canxi hóa răng. Trong cơ thể của con người sẽ có khoảng 2g thành phần Fluor, chúng tập trung phần lớn ở xương và răng, số ít khác thì nằm ở gân, dây chằng và mạch máu.
Fluor là nguyên tố hóa học không mùi, không vị có nhiều trong nước và các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, đậu, bắp,… Fluor tồn tại trong tự nhiên với trạng thái kết hợp với các chất khác như Calci, Phosphate hoặc ở trạng thái hòa tan trong nước.
2. Vai trò của thành phần Fluor
2.1 Phát triển răng
Như đã nói, thành phần Fluor có tác dụng rất lớn trong quá trình hình thành men răng, ngà răng. Quá trình tích chứa Fluor ở răng xảy ra khi còn bé, chính là thời kỳ hình thành và phát triển các răng vĩnh viễn ở trẻ.
Khi đó, Fluor cùng với Canxi giúp kiến tạo men răng ở thời kỳ hình thành men răng, sau đó tham gia tái khoáng men răng khi răng đã hình thành. Men răng sẽ được phủ một lớp khoáng trên bề mặt giúp chúng trở nên cứng chắc hơn, nhờ đó mà vi khuẩn trên răng cũng hoạt động kém hơn giúp phòng ngừa được bệnh lý sâu răng.
2.2 Hình thành xương
Đối với cơ thể, Fluor là thành phần cấu tạo nên mô xương giúp kích thích tổng hợp collagen trong giai đoạn đầu tiên để khôi phục vị trí gãy xương. Đồng thời nó cũng có vai trò trong việc chống lão hóa xương, hợp chất Natri Florua (NaF) sẽ giúp kích thích nguyên bào xương dẫn đến tăng khả năng tạo xương.
2.3 Chuyển hóa canxi, photpho
Nếu thừa Fluor trong cơ thể có thể xảy ra hiện tượng rối loạn chuyển hóa Photpho – Canxi dẫn tới xốp xương. Trường hợp thiếu Fluor thì men răng sẽ yếu hơn bình thường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý sâu răng.
3. Lưu ý tình trạng thiếu hoặc thừa Fluor trong cơ thể
Thành phần Fluor trong cơ thể con người có đặc điểm là có giới hạn thích hợp với hoạt động sinh học của nó, chính vì vậy việc thừa hay thiếu Fluor đều có hại cho sức khỏe răng miệng và cơ thể.
3.1 Thiếu Fluor
Tình trạng thiếu Fluor được xác định khi lượng Fluor trong nước dưới 0,5mg/l, nó gây ra bệnh lý sâu răng và cả tình trạng loãng xương. Ở những chiếc răng sâu, lượng Fluor thấp hơn rất nhiều so với răng bình thường, do đó độ bền vững của nó cũng không cao. Khi chịu tác động bởi môi trường axit trong khoang miệng thì răng thiếu Fluor dễ bị ăn mòn hơn nhiều.
Như vậy, mối tương quan đảo ngược trong nước uống và sâu răng đã được xác định rõ. Ở trẻ em, Fluor giúp ngăn ngừa từ 20 – 40% nhưng lại không thể loại trừ hoàn toàn sâu răng do ảnh hưởng của các yếu tố khác là các loại đường và vấn đề vệ sinh răng miệng. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận được vai trò dự phòng của Fluor trong việc bảo vệ răng tránh khỏi tại hại của vi khuẩn và bệnh lý sâu răng.
3.2 Thừa Fluor
Tình trạng này thường xảy ra ở những vùng có lượng Fluor cao trong đất và nước. Cụ thể là các vùng có núi lửa hoạt động hoặc vùng có mỏ fluor apatit. Thừa Fluor hay còn gọi là ngộ độc Fluor sẽ làm hủy hoại men răng. Khi đó, sẽ có biểu hiện trên bề mặt của răng là các đốm trắng, vàng với kích thước to dần, chuyển dần từ xám sang vàng. Trên men răng cũng xuất hiện các bờ rãnh bị ăn mòn, răng dần trở nên dễ vỡ hơn. Bệnh chỉ gây tổn thương ở các răng vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, các vùng công nghiệp sản xuất nhôm, magie, xi măng, phân bón,… cũng sử dụng lượng lớn Fluor. Các chất thải bỏ của nhà máy super – photpho cũng làm tăng lượng Fluor trong không khí, đất và cây trồng. Việc nhiễm độc Fluor không chỉ gây biến đổi răng mà còn dẫn đến rối loạn chuyển hóa photpho – canxi khiến xương bị biến dạng, dễ gãy.
Xem thêm:
Lưu ý khi sử dụng máy tăm nước
Xử lý giắt thức ăn ở kẽ răng và những sai lầm cần tránh xa
4. Phương pháp bảo vệ sức khỏe cơ thể với Fluor
Ở những nơi có nhiều Fluor thì cần hạn chế sử dụng nguồn nước nhiều Fluor, nên dùng nước sạch có nồng độ Fluor phù hợp là 0,7 – 1ppm. Đồng thời thực hiện biện pháp bảo vệ không khí ở những vùng công nghiệp phát triển. So với nước uống thì thành phần Fluor trong thực phẩm được hấp thụ kém hơn, nhưng vẫn cần cân đối về canxi – photpho cũng như phối hợp thêm Vitamin D để hấp thụ Fluor tốt hơn.
Đối với những trường hợp ít Fluor thì cần phải bổ sung lượng Fluor vừa đủ trong nước ăn và thực phẩm trong thực đơn hàng ngày. Giới hạn của Fluor trong nước ăn sinh hoạt hàng ngày là 1,2 mg/l, nếu bổ sung quá nhiều sẽ gây ra ngộ độc Fluor.
Các loại kem đánh răng đang lưu hành trên thị trường đều có chứa thành phần Fluor, việc đánh răng với kem đánh răng mỗi ngày 2 lần cũng giúp bổ sung chất khoáng cần thiết này. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý cách sử dụng nước súc miệng có Fluor tối thiểu mỗi tuần/lần, thời gian súc miệng sẽ là 2 – 3 phút/lần để thành phần Fluor có thể ngấm vào răng.
Như vậy, với lượng Fluor vừa đủ sẽ giúp bảo vệ răng miệng tránh xa khỏi tình trạng sâu răng, nhưng nếu vượt quá liều lượng hấp thụ Fluor sẽ gây nguy hiểm có răng và xương. Do đó, bạn cần cân bằng lượng Fluor trong điều kiện sống, chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng hàng ngày. Hãy đảm bảo rằng bạn cơ thể của bạn được hấp thụ đầy đủ các thành phần dinh dưỡng là vitamin, protein,… để có sức khỏe răng miệng cũng như cơ thể một cách tốt nhất.